Sau khi qua đời Ô_Lạt_Na_Lạp_A_Ba_Hợi

Năm Sùng Đức thứ 8 (1643), con trai A Ba Hợi là Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn làm nhiếp chính cho Thanh Thế Tổ Thuận Trị Đế - con trai của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực. Càng về sau, Đa Nhĩ Cổn càng khuếch trương quyền lực, và vào năm Thuận Trị nguyên niên (1644) đã giúp nhà Thanh thu phục Bắc Kinh, được Thuận Trị Đế gia phong làm ["Hoàng thúc phụ Nhiếp chính vương"], quyền khuynh thiên hạ.

Bằng quyền lực của mình, vào tháng 8 năm Thuận Trị thứ 7 (1650), Đa Nhĩ Cổn truy tôn mẫu thân A Ba Hợi của mình thụy hiệuHiếu Liệt Cung Mẫn Hiến Triết Hoà Tán Thiên Lệ Thánh Vũ Hoàng hậu (孝烈恭敏獻哲仁和贊天儷聖武皇后), đưa vào phụng thờ trong Thái Miếu. Bà và Mạnh Cổ Triết Triết là hai vị Đại phúc tấn duy nhất của nhà Hậu Kim được phong thụy Hoàng hậu dưới thời nhà Thanh. Sang tháng 12 năm ấy, Đa Nhĩ Cổn đột ngột qua đời, được Thuận Trị Đế truy phong Nghĩa Hoàng đế (義皇帝), miếu hiệu Thành Tông (成宗), tang lễ được cử hành như của Hoàng đế[15]. Con dâu bà, Đích Phúc tấn của Đa Nhĩ Cổn là Bát Nhĩ Tề Cát Đặc thị cũng được truy tôn Kính Hiếu Nghĩa Hoàng hậu (敬孝義皇后). Đây là gia đình Thân vương nhà Thanh duy nhất được hưởng vinh dự truy tôn Đế - Hậu, tưởng chừng là niềm an ủi lớn nhất đối với A Ba Hợi.

Tuy nhiên sang năm thứ 8 (1651), Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng trình cho Thuận Trị Đế danh sách tội trạng của Đa Nhĩ Cổn[16], bao gồm: bí mật may Long bào (tuyệt đối chỉ dùng cho Hoàng đế); âm mưu cướp ngai vàng; tự phong Hoàng phụ; giết Hào Cách và cướp đoạt thê thiếp cho mình, v.v... Thuận Trị Đế tước mọi Đế hiệu của Đa Nhĩ Cổn, hủy mộ phần và cho đánh vào quan tài, ngoài ra còn tước bỏ và trục xuất bài vị của mẹ và vợ của Đa Nhĩ Cổn ra khỏi Thái Miếu, biếm làm Thứ nhân, đẳng đồng Phế hậu[17].

Liên quan